- Tác giả
- Sogyal Rinpoche
Phần lớn những hoài niệm tuổi thơ tôi về Tây Tạng đã phai tàn, nhưng có hai thời điểm mà tôi không bao giờ quên. Đó là khi thầy tôi Jamyang Khientse khải thị cho tôi đi vào bản chất cốt tủy, uyên nguyên và sâu xa nhất của tâm tôi. Lúc đầu tôi cảm thấy dè dặt không muốn tiết lộ những kinh nghiệm riêng tư này, vì ở Tây Tạng không bao giờ người ta làm chuyện đó, nhưng các học trò, bạn bè tôi tin rằng nếu tôi nói ra thì có thể giúp đỡ nhiều người, và họ yêu cầu tôi, năn nỉ tôi viết về những kinh nghiệm ấy.
Lần đầu tiên nó xảy đến khi tôi khoảng sáu bảy tuổi, tại trong cái phòng đặc biệt mà thầy tôi ở, trước mộ bức tranh lớn của tiền nhân thầy là Jamyang Khientse Wangpo. Đấy là một hình dáng oai vệ nghiêm trang, càng oai vệ trang nghiêm hơn khi ánh đèn bơ đặt trước bức tranh cứ chập chờn soi sáng gương mặt trên bức tranh ấy. Tôi chưa biết có chuyện gì xảy ra thì thầy tôi đã làm một sự bất thường chưa từng có. Ngài thình lình ôm tôi và nhấc bổng lên. Đoạn ngài hôn tôi một cái vào một bên má. Trong một lúc lâu, tâm tôi hoàn toàn biến mất, tôi được bao phủ bởi một niềm yêu thương, tin tưởng, một năng lực phi thường.
Biến cố kế tiếp thì trang trọng hơn và xảy ra ở Lhodrak Kharchu trong một hang động mà Padmasambhava bậc thánh vĩ đại và là cha đẻ của Phật giáo Tây Tạng, đã nhập thất thiền định. Chúng tôi đã dừng chân tại đấy trên đường hành hương đến miền Nam. Lúc đó tôi chừng chín tuổi. Thầy tôi gọi tôi đến và bảo tôi ngồi trước mặt ông. Chỉ có hai thầy trò chúng tôi. Thầy tôi bảo:
- Bây giờ ta sẽ khai thị cho con về bản lai diện mục của tâm.
Cầm cái chuông và trống tay nhỏ lên, thầy triệu thỉnh tất cả những bậc thầy trong hệ truyền thừa, từ Phật nguyên thủy trở xuống đến bậc thầy của chính thầy. Rồi thầy bắt đầu khai thị. Bỗng chốc thầy ném vào mặt tôi một câu hỏi không thể trả lời:
- Tâm là gì?
Thầy nhìn xoáy sâu vào mắt tôi. Tôi hoàn toàn kinh ngạc. Tâm tôi tan ra. Không còn ngôn từ, tên gọi, ý tưởng nào ở lại – Không có tâm nào hết, quả thế.
Cái gì xảy ra trong giây phút đầy kinh ngạc ấy? Những ý niệm quá khứ đã chết, tương lai chưa đến; dòng tư tưởng của tôi bị cắt ngang đột ngột. Trong cú sốc đó một khoảng trống mở ra, trong khoảng trống ấy chỉ có một giác tính tuần túy trực tiếp về hiện tại, một cái gì hoàn toàn vượt ngoài mọi bám víu chấp thủ. Giác tính ấy đơn giản, sơ nguyên và căn để. Tuy vậy sự giản đơn thuần túy đó cũng tỏa sáng đầy sự ấm áp của một niềm bi mẫn bao la.
(Sự hạn hẹp tối tăm)
Mục lục:
- Sự hạn hẹp tối tăm
- Nhìn vào trong
- Luyện tập chánh niệm
- Tâm trong thiền định
- Nguồn cảm hứng
- Tính tương tục của tâm
- Tái sinh tại Tây Tạng
- Nhà xuất bản
- Phương Đông
- Người dịch
- Thanh Long và Trường Tâm
- Người đọc
- Kiều Hạnh