- Tác giả
- Nhiều tác giả
Lâu nay chữ Thiền là một trong vài thuật ngữ Phật học được sử dụng rộng rãi và cũng có phần bừa bãi nhất ở cả những người trong và ngoài Phật Giáo. Trong sách này, có lẽ ta nên tìm lại định nghĩa nguyên thủy nhất của từ nầy. Một cách chính xác, ngắn gọn và cần thiết nhất, chữ Thiền trong kinh điển Pali chỉ gồm trong hai trường hợp sau:
-Theo tinh thần giáo lý Tam Học của Phật giáo nguyên thủy, bên cạnh một đời sống thanh tịnh trên ngôn từ và sinh hoạt tức Giới Học, người hành đạo giải thoát dứt khoát phải có được khả năng tập trung tư tưởng tức Định học, gọi tắt là Samatha (Chỉ), gọi đủ là Àrammanùpanijjhàna hay Thiền Tập Chú Cảnh Đề Mục, tức khả năng tập trung tư tưởng vào một đề mục nào đó.
-Từ nền tảng Định học, với Àrammanùpanijjhàna trên đây, hành giả dùng sức định tâm của mình để quan sát thân tâm xem chúng là gì và đang ra sao. Phải thấy thân tâm, thiện ác, buồn vui thật ra là gì thì hành giả mới có thể chán sợ và lìa bỏ sinh tử được. Công phu này được gọi là Lakkhanùpanijjhàna hay Thiền Quán Chiếu Bản Tướng Vạn Hữu. Công phu này chính là Tuệ Học trong Tam Học, cũng được gọi là pháp môn Vipassanà.
Hơn hai ngàn năm lưu truyền ở đời, giáo pháp của của đức Thích Tôn qua những bước đường du nhập và kế thừa ở các miền đất thỉnh thoảng có thêm những kiểu diễn dịch trình bày mà ít nhiều phảng phất dấu ấn cá nhân của những người hoằng đạo. Ta người đời sau học để biết thêm những cái riêng tư ấy, thấy tâm đắc thì theo và dĩ nhiên thấy bất phục thì tránh.
Nội dung sách này là một tập đại thành những kinh nghiệm riêng tư của các thiền sư Myanmar dựa trên cái chung là kinh điển Pali mà chúng tôi đúc kết lại từ các nguồn tài liệu tiếng Anh trên cả Internet và sách in (vào Google thì biết ngay). Đó là những kinh nghiệm có được từ công phu hành trì của các hành giả thực thụ chứ không phải những lý luận suy diễn của các học giả mọt sách. Hai thứ này khác nhau nhiều lắm, vì một bên là ngắm nhìn ảnh chụp và một bên là sờ chạm trực tiếp.
Chúng tôi đọc nguyên tác và viết lại nội dung, không phải phiên dịch, chỉ vì lâu nay vẫn thấy thoải mái với lối chuyển ngữ này hơn. Ai muốn kê cứu gì ấy thì chỉ cần một Smartphone cũng đủ.
Các truyền thống Vipassanà được nhắc đến trong sách không hẳn là những dòng thiền lừng lẫy nhưng ít nhất cũng là những địa chỉ được nhiều người tu học trong và ngoài Myanmar biết đến hoặc quan tâm. Người Việt có lòng cầu thị Phật pháp ở Miến Điện có lẽ ít nhiều cũng nên có chút khái niệm về bối cảnh kiến giải của xứ sở nầy trước khi bỏ công qua đó xếp bằng nhắm mắt.
Nói đến kinh nghiệm Tuệ Quán Myanmar là xem như đang chạm vào khu rừng thiêng mấy nghìn năm phong kín của một xứ sở Phật giáo mà cả chiều dài lịch sử lẫn chiều dày truyền thừa đều đáng nể, đôi ba trăm trang kể chuyện về nhau thì có bỏ bèn thấm tháp vào đâu. Đó chính là lý do tập sách này có ít nhất hai quyển, tổng chi non nghìn trang. Sự nhiệt tình đón đọc của quý độc giả dành cho tập 1 sẽ giúp tập 2 sớm được chào đời.
Niềm mong mỏi lớn nhất của chúng tôi chỉ đơn giản là bà con Phật tử người Việt có cái giắt lưng khi vừa đặt chân lần đầu trên đất Myanmar. Khi đã biết mình sẽ về đâu, làm gì, với ai thì tập sách này khi ấy chỉ là của thừa
(Lời tựa)
Mục lục:
- Lời tựa - Phần 1 Chỉ Quán Song Tu
- Bốn đề mục hộ thân
- Các Tuệ Minh Sát phần 1
- Các Tuệ Minh Sát phần 2
- Kinh Nghiệm Tuệ Quán Pa-Auk phần 1
- Kinh Nghiệm Tuệ Quán Pa-Auk phần 2
- Kinh Nghiệm Tuệ Quán Pa-Auk phần 3
- Kinh Nghiệm Tuệ Quán Chanmyay Sayadaw
- Các cấp độ Tuệ Quán
- Các cấp độ Tuệ Quán (tiếp theo) - Hướng dẫn cơ bản về kỹ thuật Tuệ Quán
- Tâm và Thọ Quán Niệm Xứ phần 1
- Tâm và Thọ Quán Niệm Xứ phần 2
- Tâm và Thọ Quán Niệm Xứ phần 3
- Tìm hiểu Samatha và Vipassana
- Kỹ thuật Vipassana
- Thọ Quán Niệm Xứ
- Phép Quán Thọ qua hai trường hợp Danh - Sắc
- Kỹ thuật Quán Thọ
- Tác dụng của phép Thọ Quán đối với phiền não
- Kỹ thuật Thiền Quán Mahasi cho người sơ cơ
- Kinh nghiệm Tuệ Quán của Thae Inn Gu Sayadaw
- Tuệ Giác Sunlun Sayadaw phần 1
- Tuệ Giác Sunlun Sayadaw phần 2
- Tuệ Giác Sunlun Sayadaw phần 3
- Tuệ Giác Sunlun Sayadaw phần 4
- Tuệ Giác Sunlun Sayadaw phần 5
- Tuệ Giác Sunlun Sayadaw phần 6
- Tuệ Giác Sunlun Sayadaw phần 7
- Sống và Chết trong trí tuệ phần 1
- Sống và Chết trong trí tuệ phần 2
- Sống và Chết trong trí tuệ phần 3
- Kinh nghiệm cận tử
- Nhà xuất bản
- Hồng Đức
- Người dịch
- Hòa thượng Giác Nguyên
- Người đọc
- Tuấn Anh, Kiều Hạnh