- Tác giả
- Tỳ Kheo Thích Chúc Thái Chơn
Đức khiêm tốn là một đức hạnh không làm khổ mình, khổ người, luôn mang niềm vui hạnh phúc đến cho chính mình và mọi người, giúp tâm hồn luôn thanh thản an vui và vô sự.
Đức khiêm tốn thường thể hiện qua từng hành động, lời nói và suy nghĩ không khoe khoang không nói:
- Những gì mình biết với tự ngã mình giỏi (nấu ăn giỏi, chuyên môn, …)
- Những gì mình có (của cải, sự giàu sang từ cái nhà, chiếc xe, quần áo model nhất, thức ăn ngon, vật dụng điện tử mới nhất,...)
- Những gì mình đã đạt được, đã làm được, đã ngộ, đã chứng (đã học xong bằng tiến sĩ,..)
- Những quan hệ của mình với những người có danh, có thế lực, nổi tiếng, giàu sang hay có đức trọng,…
- Về cái đẹp, cái thông minh, sự giàu sang, sự hiểu biết hay học thức, cái tài, gia đình, dòng họ, dân tộc, đất nước của mình.
- Không thổi phồng hoặc tự đánh giá cao về mình.
Ngoài ra những người khiêm tốn biết tu tập phải nhớ:
- Không tham gia vào những trò thi đấu hơn thua, tranh tài.
- Không tham gia vào những nơi đông đúc, ồn náo mà chỉ thích sống yên tĩnh, trầm lặng tư duy về cuộc sống thiện ác để tránh xa điều ác, tăng trưởng điều thiện.
- Tránh xa những người giàu có cao ngạo, có thế lực, có uy quyền, …
- Làm việc gì cũng không cần ai khen, chỉ biết làm tốt, làm cho xong việc và rất cẩn thận.
- Làm theo ý kiến, yêu cầu, đề nghị của người khác để người vui, mình vui. Không bao giờ làm theo ý mình, cho ý mình là hay là đúng nhất,…
- Luôn thưa hỏi người khác trước khi làm việc gì mà không tự ý làm theo ý của mình.
- Ai nói gì, khen hay chê, nói tốt hay xấu, nói về người khác thì người khiêm tốn đều im lặng không bình luận đúng sai, phải trái.
- Không nhiều chuyện phân tích chuyện của người, chuyện đời, chuyện kinh tế, chính trị của xã hội,…
- Không tự đề cao ý kiến của mình.
- Ăn mặc giản dị, gọn gàng sạch sẽ, kín đáo
- Sống đơn giản, không cầu kỳ, phô trương ta cũng có thứ này thứ nọ như mọi người, không chạy theo vật chất thế gian, không chạy theo cách sống của người khác. Sống rất thiểu dục tri túc, không ăn xài phung phí, biết suy nghĩ tính toán, tư duy kỹ trước khi làm điều gì.
- Biết lắng nghe người khác, không chú trọng “cái tôi”, mà biết quan tâm đến người khác.
- Luôn không ngừng học hỏi những cái hay của mọi người xung quanh, chứ không bó chặt vào những gì mình biết.
- Luôn nhìn thấy lỗi mình, không nhìn lỗi người.
- Luôn sống cung kính và tôn trọng mọi người dù là một em bé, người nhỏ tuổi, người nghèo hèn, người hầu, người không quen biết, phụ nữ, người tàn tật, người tội phạm, người bị xã hội ruồng bỏ.
- Luôn nhường nhịn, nhún nhường người khác như nhường cho người khác làm trước, nói trước, đứng trước, nằm trước, ăn trước, nghỉ trước, ngồi trước. Nhường nhịn những gì ngon nhất, đẹp nhất, hay nhất, tốt nhất, tiện nhất, phù hợp nhất,… cho người.
- Luôn mong mọi người chỉ lỗi cho, chỉ chỗ sai, chỉ cái xấu của mình để sửa đổi thành tốt hơn.
- Luôn tự đánh giá về những gì mình làm là chưa hoàn hảo, chưa toàn diện, chưa đủ, chưa chất lượng, chưa tốt. Do vậy mà luôn muốn lắng nghe mọi người góp ý kiến sửa đổi để tốt hơn.
- Khi thưa hỏi thì dùng danh từ lịch sự như “Kính thưa,…”
- Không so sánh mình với bất kỳ ai, hơn kém hay bằng người.
- Người khiêm tốn sống để phục vụ người, mang lợi ích đến cho người chứ không phải mong rằng sống để người khác phục vụ mình hay nhớ ơn mình.
- Người khiêm tốn luôn sống ly dục ly ác pháp, vì nếu không biết sống ly dục thì sẽ bị ác pháp chi phối, ác pháp chi phối thì tâm tham sân si mạn nghi đều đầy đủ và lộ ra ngoài.
- Khiêm tốn thừa nhận sự thiếu khiêm tốn của mình.
Tóm lại khiêm tốn là một đức hạnh diệt ngã xả tâm, giúp cho tâm hồn thanh thản an lạc và vô sự, người khiêm tốn sẽ:
- Không khoe khoang,
- Không đề cao bản thân,
- Không cần tạo ấn tượng với ai,
- Không tỏ ra mình hơn người khác,
- Không cần lôi kéo sự chú ý của ai về mình,
- Không bao giờ tự mãn về những điều mình có, mình đạt được hay mình biết, mà luôn mở lòng học hỏi, trau dồi từng lời nói, hành động, suy nghĩ và từng cử chỉ nhỏ nhặt.
- Luôn sống cung kính và tôn trọng mọi người.
- Luôn biết nhún nhường chứ không tranh dành.
- Luôn nhìn thấy lỗi mình, không nhìn lỗi người.
Người hiểu đạo luôn lấy nền tảng vô ngã làm kim chỉ nam đó cũng chính thể hiện đức khiêm tốn để đi vào đời. Thực hành đúng đức khiêm tốn thì chúng ta sẽ được an vui và hạnh phúc sẽ trường tồn.
(Tập sống khiêm tốn và nhìn lại chính mình)
Mục lục:
- Lời nói đầu - Nhìn cuộc sống
- Chuyển đổi tư duy
- Chớ tham cầu hoàn hảo - Đừng bào chữa
- Tập sống khiêm tốn và nhìn lại chính mình
- Phật dụng tâm
- Nhà xuất bản
- Hồng Đức
- Người đọc
- Huy Hồ