- Tác giả
- HT. Thích Nhất Hạnh
Lần đầu tiên tôi gặp Thầy Thích Nhất Hạnh là vào năm 1987, ở một khóa tu dành cho các nghệ sĩ tổ chức tại Ojai, California. Từ buổi gặp gỡ đầu tiên ấy, những điều Thầy dạy đã thấm nhuần vào trái tim và tâm hồn tôi. Khi tôi bắt đầu biết Thầy (các học trò của Thầy thường gọi như thế), tôi đang ở trong một thời kỳ gay go phải chiến đấu với việc sinh nở khó khăn. Những lời dạy của Thầy về vô thường, về sự không vướng mắc, về khổ đau và nguyên do của khổ đau, đã giúp tôi nhìn mọi việc theo một cách khác. Tôi có thể ôm ấp được những niềm đau, những mất mát một cách nhẹ nhàng hơn.
Tôi sinh cháu trai Matt năm 1992. Lúc đó sự tu học của tôi còn non nớt nhưng tôi lại tha thiết muốn làm một người mẹ hoàn hảo về phương diện tâm linh cho đứa con mà tôi hằng mong đợi. Tôi có niềm tin một cách chắc chắn rằng sự bình thản, nhẫn nại và hiểu biết mà tôi đã học được trong lúc thiền quán sẽ giúp tôi tạo dựng một gia đình như mơ ước.
Thế nhưng niềm tin tưởng này biến mất nhanh chóng. Lúc Matt được mười tám tháng, một hôm thằng bé bình thản nhìn tôi, rồi nó cầm chén trà mà tôi ưa thích và đập vỡ ngay trên vệ đường. Nỗi tức giận và buồn tiếc tách trà không sâu đậm bằng sự tan vỡ giấc mơ có được một đứa con hiền lành dễ dạy. Sự hung hăng và tính hiếu động của thằng bé khiến nó nổi tiếng là đứa ưa đánh lộn ở trường mẫu giáo. Là một người mẹ Phật tử, tôi cảm thấy khiếp sợ và hổ thẹn khi bị công khai phơi bày khuyết điểm của tôi - khuyết điểm của một người mẹ - về phương diện tâm linh. Suốt mấy năm Matt ở tiểu học, tôi đã thường xuyên mất ngủ vì suy nghĩ về tương lai của thằng bé và những trường hợp mà Matt tái diễn nhiều lần liên quan đến cảnh sát, và tệ hơn thế nữa.
Tôi phải thành thật nói rằng những lời dạy của Thầy Thích Nhất Hạnh đã không làm tôi trở thành mẹ của một đứa bé toàn thiện sinh ra trong đạo Phật, cũng không làm tôi thường xuyên nói lời ái ngữ, bình thản và có chánh niệm. Có lẽ vài độc giả sẽ nhận ra mình cũng ở trong hoàn cảnh như tôi.
Tuy vậy, tuệ giác nhẹ nhàng và thương yêu chứa đựng trong những trang sách này và trong nhiều sách khác của Thầy Thích Nhất Hạnh đã hiến tặng tôi một điều còn thiện lành hơn: đó là chấp nhận được mình và chấp nhận được con mình, nhờ vào tình thương và sự hiểu biết, cảm thông trước niềm đau nỗi khổ của cả hai. Và hơn nữa, Thầy còn dạy cho tôi một cách nhìn khác trước những thất vọng không tránh khỏi, trước những cảm tưởng bị thất bại và bất lực - là cảm tưởng chung của những bậc làm cha làm mẹ.
Thầy không những là một thi sĩ, một giáo sư, một cổ-động-viên cho hòa bình mà còn là một người làm vườn giỏi. Những lời Thầy dạy về cách trồng xà-lách nhắc tôi nhớ rằng khi một cây xà-lách mình trồng không mọc lên tốt tươi thì đừng nên la mắng nó (“Đồ xà-lách xấu! Mày ráng mọc lên cho tốt đi nào!”) mà phải xem lại đất, phân bón, bối cảnh đang nuôi dưỡng xà-lách, để nên thêm, bớt cái gì có thể làm hại đến xà-lách. Tuệ giác này tạo cho tôi cảm hứng thay đổi nhiều lần môi trường học tập của con. Nó cũng giúp tôi nhận ra những căng thẳng nào, những cảm thọ tiêu cực âm thầm nào đã có mặt trong gia đình là những manh mối để hiểu được tại sao con tôi lại ương ngạnh một cách khó hiểu như vậy. Mặc khác nó cũng làm tôi hiểu thêm về những nguyên do và điều kiện đã tạo nên cách hành xử và tâm trạng của chúng ta. Tất cả những thứ đất mới này đã thực sự tạo nên một đứa bé khỏe mạnh hơn, hạnh phúc hơn.
Lúc Matt đã qua tuổi thiếu nhi và bước sang thời kỳ niên thiếu, nó dần dần tỏ ra là một người có tấm lòng nhân ái, sâu sắc, nhạy cảm và ân cần chu đáo. Nó rộng lượng, phản ứng nhanh chóng trước những bất công và là một người bạn trung thành. Làm thế nào mà Phật tính đã tỏ hiện nơi con tôi hay nơi tôi, đó là một bí mật mà tôi không dám tự hào. Nhưng tôi hoàn toàn tin tưởng rằng những hạt giống của từ bi, bình an và chân lý mà chúng ta gieo trồng và tưới tẩm nơi con cái không chỉ làm lợi lạc cho chúng mà còn cho tất cả chúng sinh.
Mời các bạn thưởng thức quyển sách nhỏ đầy tuệ giác này! Tuệ giác mà bạn được tiếp nhận sẽ dần dần nở ra như một bông hoa với đầy đủ sự ngọt ngào, khôn ngoan và trong sáng giúp làm đẹp hơn những mối liên hệ tuyệt vời và phức tạp trong đời sống gia đình. Cầu mong cho tất cả chúng ta đều cảm nhận được sự bình an, và đem bình an đến cho những người chúng ta yêu thương và cho tất cả thế giới.
(Lời giới thiệu)
Mục lục:
- Lời giới thiệu - Bông hồng cài áo phần 1
- Bông hồng cài áo phần 2
- Người đọc
- Bình Nguyên