- Tác giả
- Hán dịch: đời Tống, Tam Tạng Cầu-na-bạt-đà-la
Tôi nghe như vầy: Một thời, Phật tại nước Xá Vệ, trong vườn Cấp Cô Độc với cây của Thái tử Kỳ Đà. Lúc ấy Thế Tôn cùng chư Tỳ Khưu trụ trong rừng trúc. Chư Tỳ Khưu này vào buổi sáng sớm đắp y trì bát vào thành khất thực, trở về chỗ trụ, ăn xong súc rửa, mỗi vị thu xếp y bát, tụ tập nơi giảng đường, chuẩn bị cùng nhau bàn về nhân duyên quá khứ.
Lúc ấy Thế Tôn dùng tịnh thiên nhãn siêu việt thế gian, nghe tiếng Tỳ Khưu bàn luận với nhau, liền khởi thân dậy đi đến giảng đường, ngồi xuống giữa chúng, hỏi chư Tỳ Khưu:
– Các ông tụ tập muốn nói pháp gì?
Thời các Tỳ Khưu mới bạch Phật rằng:
– Chúng con ăn xong, súc rửa đâu đó, tụ tập cùng nhau ai cũng muốn nghe bàn về nhân duyên quá khứ.
Bấy giờ Thế Tôn nói với chư Tỳ Khưu:
– Các ông muốn nghe nhân duyên quá khứ, thì hãy lắng nghe, lắng nghe, suy xét cho kỹ mà nhớ lấy, ta nay sẽ vì các ông mà nói.
Chư Tỳ Khưu bạch:
– Thưa vâng, Thế Tôn! Chúng con rất muốn được nghe.
Túc duyên: tiên nhân Thiện Huệ
Phổ Quang Phật xuất thế
Phật nói cùng các Tỳ Khưu:
– Vô số a tăng kỳ kiếp trong đời quá khứ, vào lúc ấy có một tiên nhân tên là Thiện Huệ, tịnh tu phạm hành cầu Nhất thiết chủng trí. Vì để thành tựu Đại trí này nên sẵn lòng ở trong sinh tử, đi khắp năm đường. Một thân tử hoại lại thọ thân khác, sinh tử vô lượng, ví như lấy hết cỏ cây của thiên hạ chặt ra làm thẻ để đếm các thân đó, cũng không đếm hết được. Thường thì trời đất này từ lúc bắt đầu cho đến khi chấm dứt gọi là một kiếp, mà Ngài kia trải qua bao thành hoại của trời đất không thể nói ghi ra hết được. Do vì thương cho quần sinh đam mê ái dục, trôi chìm biển khổ, nên khởi từ bi muốn hành cứu bạt. Lại nghĩ như sau: “Nay các chúng sinh chìm trong sinh tử không tự thoát được, đều do tham dục sân khuể ngu si, ham đắm vào sắc thanh hương vị xúc pháp. Ta nay nhất định diệt bệnh ấy cho họ.” Nên tuy sinh vào các cõi luân hồi mà không hề quên tâm nguyện ấy. Đối với các chúng sinh oán thân đều bình đẳng. Dùng bố thí nhiếp bần cùng, trì giới nhiếp phá giới, nhẫn nhục nhiếp sân khuể, tinh tiến nhiếp giải đãi, thiền định nhiếp loạn ý, trí huệ nhiếp ngu si. Cứ thế ngày đêm tăng ích cho chúng sinh, vì khắp tất cả mà làm nơi quy y. Với các Như Lai thì cung kính cúng dường, mong cầu nghe pháp, rồi còn nói lại cho người khác. Thường đem bốn sự phụng cấp chúng Tăng. Đối với Phật Pháp Tăng tôn trọng thủ hộ. Các thực hành ấy không thể kể đếm. Thuở ấy có vua tên Đăng Chiếu, thành tên Đề Ban Bà Để. Nhân dân nước ấy thọ tám vạn tuổi, an ổn giàu có, thịnh vượng cùng cực, muốn gì cũng được, y như chư thiên. Thời quốc vương ấy chính pháp trị thế, không ép uổng dân, không có các khổ chém giết đánh đập, coi tất cả nhân dân như là con một.
Thời vua Đăng Chiếu sinh được Thái tử xinh đẹp khôn bì, đủ mọi oai đức, có ba mươi hai tướng, tám mươi vẻ đẹp. Vào ngày sơ sinh bốn phương đều sáng, mặt trăng mặt trời, châu ngọc lửa đèn, chẳng cần dùng đến.
Vua thấy Thái tử có điềm lành ấy, triệu chư thần lại cùng bàn bạc rằng: “Thái tử sơ sinh có điềm kỳ đặc như thế, thì phải chọn cho Thái tử tên là gì đây?” Chư thần đáp rằng: “Nên đặt Thái tử tên là Phổ Quang.” Lại triệu tướng sư để mà chiêm tướng. Tướng sư đáp rằng: “Nay thần thấy Thái tử nếu ở tại gia sẽ làm Chuyển Luân Vương thống lãnh bốn thiên hạ. Còn nếu xuất gia, thời làm Thiên Nhân Tôn, thành Tát bà nhã.” Vua cùng phu nhân hậu cung thể nữ nghe tướng sư nói càng thương càng quý Thái tử vô cùng. Lại còn có trời, rồng, dạ xoa, càn thát bà, a tu la, ca lâu la, khẩn na la, ma hầu la già, nhân, phi nhân, cung kính cúng dường, tôn trọng tán thán.
(Trích duyên khởi)
Mục lục:
- Chương Một-Nhân Duyên Quá Khứ
- Chương Hai-Thành Quả Hiện Tại
- Q2-Thái Tử Học Hành_Ra Bốn Cửa Thành
- Q2-Thái Tử Vượt Thành Xuất Gia-Vua Cho Người Tìm Thái Tử
- Q2-Thái Tử Tìm Đạo
- Q2-Thái Tử Tu Khổ hạnh
- Q2-Thái Tử Thành Đạo Hóa Độ 5 Anh Em Kiều Trần Như
- Q3- Thế Tôn Dùng Phương Tiện Huyền Xảo Hóa Độ Chúng Sinh 1
- Q3- Thế Tôn Dùng Phương Tiện Huyền Xảo Hóa Độ Chúng Sinh 2
- Chương Ba-Kết Thúc-Khích Lệ
- Người dịch
- Thích Nhất Chân
- Người đọc
- Huy Hồ, Kim Phượng