- Tác giả
- HT Thich Nhất Hạnh
Kinh Pháp Hoa là một kinh rất nổi tiếng, có thể nói là nổi tiếng nhất trong tất cả các kinh điển của đạo Bụt Đại Thừa. Cái tư tưởng tôn xưng kinh Pháp Hoa là Vua của tất cả các kinh đã có từ lâu. Chúng ta phải tìm hiểu nguồn gốc của tư tưởng đó, nhất là phải biết lý do tại sao kinh Pháp Hoa đã đạt đến địa vị tột cùng của nó trong khu vườn kinh điển Đại Thừa.
Về thời điểm xuất hiện, tuy ta nghĩ Bụt đã nói kinh Pháp Hoa trên đỉnh núi Linh Thứu trong thời gian Ngài còn tại thế, nhưng sự thực là mãi đến khoảng 700 năm sau, tức khoảng cuối thế kỷ thứ hai Dương lịch, kinh Pháp Hoa mới được các thầy ghi chép lại để lưu truyền. Bằng chứng của sự xuất hiện vào thời điểm này là Thầy Long Thọ, tác giả của Đại Trí Độ Luận sống vào cuối thế kỷ thứ hai, và thầy đã trích dẫn kinh Pháp Hoa. Thêm vào đó, chúng ta có thể nói chắc rằng kinh Pháp Hoa đã xuất hiện sau kinh Duy Ma Cật, vì những tư tưởng trong Duy Ma Cật chưa đi tới giai đoạn hòa giải với Giáo hội Truyền thống .
Khi tìm hiểu về nguồn gốc và lý do tại sao kinh đã đạt đến địa vị cao nhất trong kho tàng kinh điển Đại Thừa, chúng ta thấy, trong kinh Pháp Hoa(1) Bụt nói với Bồ Tát Tú Vương Hoa rằng: Này Tú Vương Hoa, trong các dòng nước như là sông, ngòi, kinh, rạch thì biển là lớn nhất; trong các kinh thì kinh Pháp Hoa này là lớn nhất. Ngoài ra, trong Phẩm thứ mười, đoạn cuối của phần kệ trùng tụng, Bụt dạy rằng:
Dược Vương, nay bảo ông,
Các kinh của ta nói,
Mà ở trong kinh đó,
Pháp Hoa tột thứ nhất.
Như vậy trước hết, danh xưng này là do chính đức Thế Tôn tuyên thuyết trong lúc nói kinh Pháp Hoa trên đỉnh Linh Thứu, và ý niệm kinh Pháp Hoa là Vua của tất cả các kinh đã bắt nguồn từ những đoạn này ở trong kinh. Kế đến, khi vào thăm viếng kho tàng kinh điển Đại Thừa, đứng trên phương diện tư tưởng, ta thấy kinh Duy Ma là một kinh rất phong phú, chứa đựng nhiều tư tưởng rất thâm áo. Ta có thể dừng lại hàng giờ, hàng ngày trên từng trang kinh Duy Ma để tìm hiểu những tư tưởng cao siêu của đạo Bụt Đại Thừa, được trình bày một cách rất súc tích, rất có nghệ thuật. Khi đọc kinh Pháp Hoa chúng ta không thấy như vậy. Kinh Pháp Hoa không có tính cách chuyên môn, không có tính cách bác học, mà lại có tính cách đại chúng, thông tục và thực tiễn. Đọc kinh Pháp Hoa, ta thấy kinh thừa hưởng những tư tưởng và tinh hoa của những kinh Đại Thừa đã có trước đó. Ví dụ kinh Pháp Hoa thừa hưởng tư tưởng Không của kinh Bát nhã, tư tưởng Trùng trùng duyên khởi của kinh Hoa Nghiêm, và tư tưởng Bất tư nghì giải thoát của kinh Duy Ma. Nhưng kinh Pháp Hoa đã không trình bày những tư tưởng đó một cách bác học, một cách chuyên môn. Kinh đã đưa đạo Bụt Đại Thừa đi tới một bước rất lớn, nhờ tính cách không chuyên môn, nhờ tính cách phổ thông, thực tiễn và thông tục của kinh.
Như vậy, đứng về phương diện tư tưởng, ta có thể nói rằng sức mạnh của kinh Pháp Hoa không phải là nhờ vào tính cách chuyên môn của kinh mà là nhờ vào sự trình bày những tư tưởng thâm áo một cách rất đơn giản, rất dễ hiểu, thích hợp với mọi giới.
(Trích Pháp Hoa-Đạo Bụt đại thừa)
Mục lục:
- Phần một Pháp Hoa-Đạo Bụt đại thừa
- Phẩm thứ nhất - Tựa
- Phẩm thứ hai - Phương tiện
- Phẩm thứ hai - Phương tiện (tt)
- Phẩm thứ ba - Thí dụ
- Phẩm thứ tư - Tín giải
- Phẩm thứ năm - Dược thảo
- Phẩm thứ sáu - Thứ mười
- Phẩm thứ mười một - Hiện bảo tháp
- Phẩm thứ mười hai-mười sáu
- Phẩm thứ mười bảy - hai mươi
- Phẩm thứ hai mươi ba- hai mươi bốn
- Phẩm thứ hai mươi lăm
- Phẩm thứ hai mươi lăm (tt)
- Phẩm thứ hai mươi sáu-hai mươi tám
- Tổng quan - Kết thúc
- Người đọc
- Đức Uy, Huy Hồ, Kim Phượng