- Tác giả
- HT Thích Trí Quảng
Theo tinh thần Đại thừa Phật giáo, việc quan trọng là "Tùy thuận thế duyên vô quái ngại” trong việc hành đạo. Thể hiện tinh thần này, chúng tôi quan sát sinh hoạt xã hội và đạo pháp như thế nào, thì ứng cảm tùy cơ của Tăng Ni, Phật tử lúc đó, mà chúng tôi hướng dẫn người từng bước sống theo chánh pháp. Thật vậy, trong những năm 1995-1997, với trách nhiệm Trưởng ban Hoằng pháp Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, tôi thường viếng thăm và thuyết giảng tại các trường hạ, hướng dẫn Tăng Ni tu hành hài hòa với xã hội đang sống để có thể tồn tại và phát triển đạo pháp.
Vì vậy, những bài giáo lý được thuyết giảng lúc đó và nay được tập hợp lại trong quyển sách này, đã phản ảnh trung thực tâm trạng và sinh hoạt tu hành trong giai đoạn nói trên. Vì bài giảng mang tính đáp ứng yêu cầu tu học của Tăng Ni, nên chúng tôi đặt nặng về phần đưa ra phương cách tu thích nghi với thực tiễn cuộc sống nhiều hơn. Chính những ý tưởng triển khai theo tinh thần Đại thừa như vậy, có thể phần nào hơi khác với tinh thần Phật giáo Nguyên thủy. Mong rằng những thức giả đứng ở góc độ phóng khoáng mà bỏ qua cho. Ngoài ra, tập sách này cũng có những bài liên quan đến sinh hoạt thời sự xã hội trong và ngoài nước. Thiết nghĩ người đệ tử Phật là một tế bào của nhịp sống chung, nên chẳng những chúng tôi không thể không quan tâm đến những vấn đề lớn của thời đại, mà còn đưa ra nhận thức của người học Phật. Điển hình như nội dung các bài:"Internet, những nỗi lo mới”, "Đầu tư - vấn đề nan giải”, "Phật giáo và môi trường sinh thái”, "Kinh tế phương Tây và Phật giáo”, "Nhìn về thế kỷ XXI”, "Hãy trao cho thời đại những gì mà họ cần”, v.v... Bên cạnh đó, tất yếu phải có những bài phản ảnh sinh hoạt phát triển tích cực của Giáo hội Phật giáo Việt Nam như "Kết quả Đại hội Phật giáo toàn quốc kỳ 4”, "Giáo hội trên con đường hường về tương lai tươi sáng”, "Thành quả Đại hội Phật giáo thành phố Hồ Chí Minh kỳ 5”, "Mừng 52 năm, một chặng đường phát triển đạo pháp”. Cũng như có những bài mang tính gợi ý nhằm giúp cho Giáo hội nói chung, Thành hội Phật giáo thành phố Hồ Chí Minh nói riêng, thiết lập phương hướng phát triển trong tương lai: "Vấn đề trẻ hóa lãnh đạo”, "Những suy nghĩ về Hội nghị kỳ 5 khóa III Trung ương Giáo hội”…
Đặc biệt, phần cuối của tập sách, chúng tôi thành kính tưởng niệm đến công đức cao dày của những bậc trưởng lão tôn túc mà chúng tôi đã từng thọ ơn giáo dưỡng trên bước đường tu học, hoặc những vị đạo cao đức trọng mà chúng tôi từng được biết đến.
Tóm lại, chúng tôi muốn lưu lại những bài viết ghi dấu ấn đậm nét sinh hoạt đạo pháp trong giai đoạn lịch sử 1995-1997, cùng những suy tư của người đệ tử Phật về những vấn đề lớn của thời điểm này. Có thể những điều này không thích hợp với nhận thức của một số người ở thời kỳ sau, ở hoàn cảnh khác, ở quốc độ khác, chúng tôi mong quý vị hoan hỷ lượng thứ.
Mục lục:
- Lời nói đầu
- Ý nghĩa kinh hành niệm Phật
- Ý nghĩa tĩnh tâm
- Lục hòa
- Sáu pháp Ba la mật
- Tịnh độ theo kinh Duy Ma
- Tam minh
- Hồi hướng theo Kinh Hoa Nghiêm
- Xu thế của Đạo Phật
- Tam Bảo
- Nhập thế của đạo Phật
- Tứ hoằng thệ nguyện
- Xuân Di Lặc
- Báo hiếu theo kinh Vu Lan
- Phật giáo và Pháp luật
- Khái niệm về giới luật
- Ý nghĩa xuất gia
- Ngọn đuốc xuân
- Ngũ uẩn
- Hòa thượng Thích Quảng Đức
- Mông sơn thí thực
- Tính cách pháp lý của giáo hội
- Những thành quả của GHPGVN
- Người đọc
- Kim Phụng, Kim Phượng, Thy Mai, Ngọc Mỹ, Đức Uy, Huy Hồ, Nguyễn Đông