TIỂU SỬ CỐ HÒA THƯỢNG THÍCH THANH NGỌC
(1953-2016)
(1953-2016)
- Ủy viên Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam
- Nguyên phó ban Kinh tế tài chính GHPGVN
- Phó trưởng môn phái Tổ đình Vĩnh Nghiêm
- Chứng minh Ban Trị Sự GHPGVN quận Thủ Đức
- Chủ Nhiệm Trung Tâm Diệu Pháp Âm
- Viện Chủ chùa Nam Thiên Nhất Trụ, quận Thủ Đức
- Trụ trì chùa KhuôngViệt, Quận Tân Bình
Hòa thượng Thích Thanh Ngọc, thế danh Nguyễn Văn Vương, sinh ngày mùng 6 tháng 4 năm Nhâm Thìn (1953) tại xã Lộc Tấn, huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước. Ngài là người con thứ tư trong gia đình có năm anh chị em.
Thân Phụ là cụ ông Nguyễn Văn Hữu, thân mẫu là cụ bà Nguyễn Thị Nhâm (pháp danh Diệu Nhân). Nguyên quán của Hòa thượng là Giao Thủy, Nam Định. Năm 1942, thân phụ Hòa thượng bị thực dân Pháp buộc di dân từ Bắc vào Nam, làm công nhân đồn điền cao su tại Bình Phước nên Hòa thượng được sinh ra tại đây.
- THỜI KỲ XUẤT GIA TU HỌC
Nhận thấy Hòa thượng có căn tánh xuất trần thượng sĩ, năm ngài 11 tuổi, thân phụ cùa ngài là tì khưu Giác Đính dẫn ngài lên chùa Khuông Việt, cầu pháp với Hòa thượng Thích Quang Huy. Ngài được Hòa thượng bổn sư thế phát xuất gia, được ban pháp húy là Thanh Ngọc, pháp hiệu Khai Minh Tuệ.
Kể từ đây, duyên xưa bén rễ, cây giác ngộ sẽ tiếp tục lớn thêm và sẽ đơm hoa tuệ giác dâng tặng cho đời.
Năm 1973, Hòa thượng được Hòa thượng bổn sư cho phép đăng đàn thọ Cụ túc giới tại Việt Nam Quốc Tự.
Năm 1975, trong khi đất nước gặp nhiều khó khăn, Hòa thượng tham gia tham gia hội từ thiện Cư xá Thanh Đa, mỗi ngày đi hàng chục cây số để châm cứu, chữa bệnh cho người nghèo.
Năm 1977, trước khi viên tịch, Hòa thượng bổn sư của ngài đã truyền thừa sứ mạng trụ trì chùa Khuông Việt cho ngài.
Nhận thấy tuổi còn trẻ mà phải gánh vác trách vụ nặng nề của Tam bảo nên Hòa thượng đã đến chùa Phổ Quang làm lễ y chỉ Hòa thượng Thích Trí Dũng, trụ trì chùa Phổ Quang, quận Tân Bình và chùa Nam Thiên Nhất Trụ, quận Thủ Đức, thành phố Hồ Chí Minh.
- THỜI KỲ HÀNH ĐẠO
Năm 1996, hòa thượng làm Giám thị trường Cao trung Phật học TP.HCM, được hàng ngàn Tăng Ni sinh kính mến.
Năm 2001 Nhận thấy ngài có khả năng gánh vác Phật sự trọng đại nên trước khi viên vịch, Hòa thượng Thích Trí Dũng truyền trao ngôi vị trụ trì chùa Nam Thiên Nhất Trụ quận Thủ Đức cho ngài.
Ngài được Ban Đại Diện PG quận Thủ Đức cung thỉnh làm Chứng Minh Ban Đại Diện PG của Quận.
Từ năm 2002, Ngài được GHPGVN đề cử lần lượt giữ chức Thư ký, phó ban ban Kinh Tế Tài Chánh GHPGVN Tp.HCM.
Năm 2003, đồng sáng lập Trung Tâm Diệu Pháp Âm, thực hiện sứ mệnh hoằng truyền Phật pháp qua phương tiện công nghệ thông tin hiện đại. Qua 13 năm phát triển, Trung tâm Diệu Pháp Âm đã mang Phật pháp đến hàng triệu người yêu mến đạo Phật trong và ngoài nước.
Năm 2007, tại đại hội Phật giáo toàn quốc, Hòa thượng được suy cử vào Ủy viên Hội Đồng Trị Sự GHPGVN.
Năm 2012 tại đại hội đại biểu Phật giáo toàn quốc lần 7, Hòa thượng được tấn phong giáo phẩm Hòa Thượng
Năm 2014, vì bệnh duyên nên Hòa thượng đã truyền trao trọng trách trụ trì chùa Nam Thiên Nhất Trụ cho Đại đức Thích Minh Đạo.
Đối với tông môn pháp phái, Hòa thượng lần lượt được thỉnh làm Tổng thư ký, Phó trưởng hệ phái Môn Phái Tổ đình Vĩnh Nghiêm cho đến ngày xả báo an tường.
Với đức tánh khiêm cung, từ hòa, Hòa thượng luôn được chư Tôn đức Tăng Ni, Phật tử khắp nơi kính trọng và thương mến.
III. THỜI KỲ BỆNH DUYÊN VÀ VIÊN TỊCH
Vào cuối tháng 6 năm 2016, Hòa Thượng cảm thấy pháp thể khiếm an, mặc dù được các hàng đệ tử, các bác sĩ tại Bệnh Viện Thống Nhất, Bệnh viện 115, tận tình chăm sóc, nhưng vì tuổi cao sức yếu, Hòa thượng đã không qua khỏi, thuận thế vô thường, xả báo thân vào lúc17h 5phút ngày thứ sáu, mùng 7, tháng 10, năm 2016 (nhằm ngày 7/9/ Bính Thân) tại Chùa Khuông Việt, quận Tân Bình, TPHCM, trụ thế 65 tuổi, 43 hạ lạp.
Suốt cuộc đời, từ khi xuất gia hành đạo cho đến lúc viên tịch, Hòa thượng Thích Thanh Ngọc đã nỗ lực không ngừng trong công cuộc xiển dương đạo pháp trong và ngoài nước thông qua trang báo mạng,báo nói, báo hình với hàng triệu người yêu mến đạo Phật được an lạc, tu tập, giác ngộ. Cuộc đời ngài là một tấm gương sáng ngời về đạo hạnh và sự nghiệp hoằng hóa cho Tăng Ni và Phật tử noi theo. Mặc dù sắc thân của ngài không còn nữa nhưng đạo hạnh và sự nghiệp hoằng hóa của Ngài sẽ mãi mãi được khắc ghi trong tâm khảm của Tăng Ni Phật tử Phật giáo Việt Nam.
Nam Mô Ma Ha Sa Môn Tỳ Khưu Bồ Tát Giới, pháp hiệu Khai Minh Tuệ, pháp húy Thanh Ngọc, Khuông Việt Trụ trì, Nam Thiên Nhất Trụ viện chủ giác linh Hòa thượng.
Sửa lần cuối bởi mod: